Làm gì để ngăn chặn bệnh tay chân miệng?

Cập nhật: 9/28/2015 - Lượt xem: 11746
SKĐS - Bước vào đầu năm học mới nhưng nhiều dịch bệnh đã gia tăng, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo, mùa tựu trường, thời tiết giao mùa rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, tính đến hết tuần đầu tháng 9 có trên 4.500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trung bình khoảng 100 đến 150 ca nhập viện/tuần. Tại Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận hơn 1.300 ca mắc tay chân miệng, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung ở trẻ em dưới 5 tuổi. Còn tại miền Bắc, lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, trong thời gian tới nếu không tích cực phòng chống, dịch bệnh sẽ phát triển trên diện rộng.
             
                 Hình ảnh tổn thương trong bệnh tay chân miệng.

Đặc điểm của bệnh tay chân miệng

Hiện nay, bệnh tay chân miệng (TCM) đang có nguy cơ gia tăng ở một số tỉnh thành, đặc biệt là TP.HCM. Căn nguyên gây bệnh TCM vẫn là Enterovirus (để dễ hiểu, gọi là virut TCM) loại hay gặp nhất là A16, nhưng đáng lưu ý nhất là typ EV71. Bởi vì, chúng còn có khả năng gây bệnh ở hệ thần kinh trung ương. Typ EV71 có độc tính rất mạnh và có khả năng làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương và một số cơ quan khác, chúng gây ra những bệnh cảnh lâm sàng nặng, hậu quả để lại rất xấu cho nên cần hết sức cảnh giác và thận trọng khi có bệnh TCM xuất hiện, không được chủ quan, xem thường.

Đường lây truyền của bệnh

Bệnh TCM lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành do tiếp xúc với các chất tiết ở miệng, họng, mũi hoặc chất tiết từ các bọng nước ở tay, chân hoặc phân của người bệnh.

Bệnh cũng có thể được lây truyền gián tiếp từ các dụng cụ ăn uống (bát, đũa, thìa, muôi,...), đồ chơi, quần áo, chăn màn của người bệnh hoặc từ sàn nhà, tay vịn cầu thang,...

Diễn biến của bệnh

Sau khi virut TCM xâm nhập cơ thể chúng lưu hành trong máu một khoảng thời gian ngắn. Từ máu, virut đến niêm mạc miệng và da. Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài khoảng từ 3-7 ngày. Bệnh khởi phát là sốt, sau đó xuất hiện các bọng nước ở niêm mạc miệng (ở nướu răng, lưỡi, bên trong má) và xuất hiện ban đỏ ở bàn tay, bàn chân. Các ban đỏ này có thể hình thành các bọng nước. Đặc điểm của bệnh TCM là các ban, bọng nước thường xuất hiện ở niêm mạc miệng, tay, chân và gan bàn tay, gan bàn chân, mông, đùi.

Các bọng nước ở miệng thường vỡ ra và gây loét làm cho trẻ đau đớn, khóc nhiều, ăn kém hoặc sợ không dám ăn cho nên trẻ gầy sút nhanh

Các bọng nước ở tay, chân khi vỡ ra nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ, rất có thể bị bội nhiễm vi khuẩn gây mưng mủ và làm cho bệnh càng phức tạp thêm.

Hầu hết các trường hợp bị bệnh TCM sẽ qua khỏi nhưng có một số người bệnh, nếu căn nguyên là typ EV71, sẽ có thể bệnh diễn biến phức tạp hơn, bởi vì, virut TCM sẽ làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, thể hiện một bệnh viêm màng não điển hình. Biểu hiện là sốt cao, nhức đầu, cứng cổ, buồn nôn, nôn vọt.

Mọi lứa tuổi có thể bị nhiễm virut TCM nhưng không phải tất cả đều bị bệnh mà bệnh chỉ xảy ra ở những cơ thể không có miễn dịch chống lại virut TCM.

Tiên lượng đối với bệnh TCM tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh là do typ A16 hay do typ EV71. Nếu do typ A16, thường là bệnh nhẹ và có thể tự khỏi sau từ 7-10 ngày, nhưng do EV71, có thể có biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cơ tim cấp hoặc viêm màng não, thậm chí gây tử vong.

Chăm sóc và dinh dưỡng trẻ bị TCM như thế nào?

Chế độ dinh dưỡng của trẻ bị bệnh TCM cũng cần được lưu ý. Cần cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, lỏng mà thường ngày trẻ ưa thích. Không nên cho trẻ ăn thức ăn rắn, cay, nóng và khi cho trẻ ăn không làm đụng chạm đến các vết loét trong miệng trẻ để tránh làm đau miệng thêm và trẻ sẽ sợ hãi không dám ăn.

Cần cho trẻ uống thêm nước ép hoa quả tươi, nếu trẻ đang bú mẹ, nên cho trẻ bú thêm số lần và tăng thời lượng bú. Nếu trẻ sốt cao cần cho trẻ uống thêm dung dịch oresol (ORS), lau mát cho trẻ. Nếu trẻ vẫn sốt trên 38 độ có thể dùng thuốc hạ nhiệt paracetamol, liều trung bình không vượt quá 10mg/kg cân nặng của trẻ, sau đó cần cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt.

Để tránh bệnh bùng phát thành dịch, khi nghi ngờ trẻ bị bệnh TCM nên cho trẻ ở nhà không đến vườn trẻ, không đến lớp và không cho tiếp xúc với trẻ chưa bị bệnh TCM; Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, cho nên cần vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày nhất là rửa tay, chân sạch bằng xà phòng dưới vòi nước.

Các loại quần áo, tã lót, khăn... của trẻ bị bệnh TCM sau khi giặt sạch bằng xà phòng cần sát khuẩn bằng nước sôi hoặc nước có pha hoá chất cloraminB và không giặt chung với các loại quần áo của trẻ lành. Cần vệ sinh da trẻ bị bệnh TCM sạch sẽ hàng ngày để tránh bị bội nhiễm vi khuẩn gây lở loét. Khi trẻ bị bệnh TCM mà có một số dấu hiệu khác thường cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế, tốt nhất là khoa nhi, bệnh viện nhi hoặc các cơ sở khám, điều trị bệnh truyền nhiễm.

                                                              (Theo BS. Việt An-suckhoedoisong.vn)