Phát triển nông nghiệp bền vững góp phần nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam

Cập nhật: 10/15/2015 - Lượt xem: 19762

(ĐCSVN) - Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020, hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16 – 23/10 với chủ đề “Thúc đẩy chính sách bảo trợ xã hội và phát triển nông nghiệp bền vững góp phần giảm đói nghèo, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam”.

Thông tin trên được PGS.TS. Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” ngày 12/10 tại Hà Nội.

Viện Dinh dưỡng gặp mặt báo chí thông tin về Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” ngày 12/10 tại Hà Nội. Ảnh: ĐT
Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” năm nay tập trung vào các hoạt động như: Phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để hướng dẫn kỹ thuật canh tác phù hợp, phát triển vườn, ao, chuồng (VAC) gia đình tạo nguồn thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng nhằm đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện chất lượng bữa ăn và góp phần tăng thu nhập cho gia đình gắn liền với ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hợp lý tới từng hộ gia đình. Đồng thời, ngành y tế tăng cường hướng dẫn người dân biết lựa chọn, chế biến và sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm sẵn có tại gia đình và địa phương, tổ chức bữa ăn gia đình đảm bảo đủ dinh dưỡng hợp lý và an toàn, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam. Ngành y tế phối hợp với ngành lao động – thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội và các ban, ngành đoàn thể liên quan để thúc đẩy các chính sách bảo trợ xã hội, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe trẻ em, người thất nghiệp, người già giúp giảm đói nghèo; tăng cường chất lượng dịch vụ y tế cho toàn dân, đặc biệt trong chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

Thông điệp truyền thông Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” năm 2015 gồm:

Phát triển VAC để tăng thu nhập gia đình, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng; Lựa chọn, chế biến, sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn gia đình; Ăn uống hợp lý để phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam; Thực hiện dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì; Thúc đẩy chính sách bảo trợ xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; Gia đình và xã hội hãy chung tay xóa đói, giảm nghèo, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao thể lực và tầm vóc cho người Việt nam.

Viện Dinh dưỡng cho biết: Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 5,8 – 6%. Nguyên nhân của suy dinh dưỡng là một phức hợp nhưng nguyên nhân trực tiếp là do khẩu phần ăn (thiếu cả về số lượng và mất cân đối về chất lượng), bệnh tật và các yếu tố về chăm sóc.

Năm 2014, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi là 24,9%, thể nhẹ cân là 14,5%. Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng vẫn tập trung cao ở những nơi khó khăn như Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân và gầy còm ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các xã nghèo đều cao hơn so với khu vực thành thị.

Theo số liệu cuộc điều tra toàn quốc về vi chất dinh dưỡng được công bố tháng 10/2015, thiếu vi chất dinh dưỡng có xu hướng giảm so với điều tra quốc gia năm 2010 nhưng tốc độc giảm chậm và vẫn phổ biến ở trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ, có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở các mức độ khác nhau và có sự khác biệt lớn giữa các vùng. Cụ thể như: tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em là 27,8%, phụ nữ tuổi sinh đẻ là 25,5% và phụ nữa có thai là 32,8%; tỷ lệ thiếu vitamin A lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,0%.../.

Theo Đỗ Thoa - dangcongsan.vn