Thông cáo báo chí Tổng kết Dự án Hỗ trợ dinh dưỡng khẩn cấpThông cáo báo chí Tổng kết Dự án Hỗ trợ dinh dưỡng khẩn cấp cho bà mẹ và trẻ em tại 6 tỉnh bị hạn hán và xâm nhập mặn.

Cập nhật: 12/21/2023 - Lượt xem: 11380
THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Tổng kết Dự án “Hỗ trợ dinh dưỡng khẩn cấp cho bà mẹ và trẻ em tại 6 tỉnh bị hạn hán và xâm nhập mặn”

Hà Nội, ngày 31/03/2017

Ngày 31/03/2017 tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Dự án “Hỗ trợ dinh dưỡng khẩn cấp cho bà mẹ và trẻ em tại 6 tỉnh bị hạn hán và xâm nhập mặn” triển khai ở 6 tỉnh gồm: Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Hậu Giang, Cà Mau. Tham dự Hội nghị có GS. TS. Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng, Đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế; PGS. TS. Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng và ngài Jeper Moller - Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các ban ngành các tổ chức quốc tế và đại biểu của 6 địa phương triển khai can thiệp dinh dưỡng khẩn cấp.

Tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), hạn hán và xâm ngập mặn ngày càng gia tăng về quy mô, cường độ và tần suất, đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nhiều vùng, miền trên cả nước. Hạn hán, xâm ngập mặn làm cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của người dân bị thiệt hại gây nên tình trạng thiếu đói, thiếu nước sạch cho sinh hoạt và ăn uống. Tình trạng trên tác động tới đối tượng dễ có nguy cơ bị tổn thương nhất là phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ dưới 5 tuổi về tình trạng dinh dưỡng là bà mẹ và trẻ em.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả trong sản xuất lương thực, thực phẩm, nhất là lúa gạo, nhưng nước ta chưa có được an ninh thực phẩm hộ gia đình và cá thể, nhất là an ninh dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi hạn hán, xâm ngập mặn, thiên tai xảy ra thì nhiều nơi người dân lâm vào cảnh bị cô lập, bị đói, bị bệnh tật và suy dinh dưỡng, khả năng tiếp cận với thực phẩm, nước sạch cần thiết trở thành nỗi lo canh cánh của mỗi người, mỗi nhà. Hậu quả trước mắt là trẻ em dễ bị suy dinh dưỡng, luôn bị đe dọa bởi bệnh tật và sinh mạng. Nếu may mắn thoát khỏi SDD, thì tương lai của những trẻ này cũng vẫn sẽ bị đe dọa do không thể phát huy hết tiềm năng phát triển về tầm vóc thể lực cũng như trí tuệ, dẫn đến học vấn thấp, khả năng lao động cống hiến cho gia đình và xã hội giảm, đồng thời lại có nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính không lây khi trưởng thành và có thể ảnh hưởng tới thế hệ sau.

Ngay khi hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra đoàn đánh giá nhanh của Viện Dinh dưỡng, UNICEF,...đã được thành lập và đánh giá tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Sóc Trăng. Kết quả điều tra đã chỉ ra một số nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của bà mẹ và trẻ em đó là: tình trạng thiếu lương thực, không tiếp cận được sản phẩm giàu vi chất dinh dưỡng; thiếu nước sinh hoạt, trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ; không được cho ăn bổ sung đúng cách cũng như người chăm sóc trẻ không có nhiều thời gian tiếp xúc với cán bộ y tế.

Theo kết quả đánh giá và số liệu báo cáo của 18 tỉnh bị hạn hán ảnh hưởng, ước tính có khoảng 27.500 trẻ em dưới năm tuổi đang bị SDD cấp vừa và nặng,  39.000 phụ nữ mang thai và cho con bú đang bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Đồng thời theo thống kê tỉ lệ suy dinh dưỡng (SDD) cấp nặng đã tăng từ 1,3 – 1,8% lên 1,9-2,1% trong năm 2016, bữa ăn của trẻ em và phụ nữ ở các tỉnh hạn hán có chế độ ăn chất lượng thấp.

Ngày 15/3/2016, chính phủ Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ để cứu trợ, ưu tiên đảm bảo nước sạch, vệ sinh an toàn và hỗ trợ dinh dưỡng cho những người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm ngập mặn và giám sát tình trạng dịch bệnh có thể xẩy ra. Unicef đã huy động được 4.000.000 USD từ chính phủ Nhật Bản và Quỹ cứu trợ khẩn cấp Trung ương để triển khai các can thiệp cứu trợ khẩn cấp về nước sạch-vệ sinh và dinh dưỡng cho khoảng 340.00 người dân dễ bị tổn thương nhất, trong đó có 100.000 trẻ em và 135.000 phụ nữ tại 10 tỉnh. Trong đó mục tiêu can thiệp dinh dưỡng sẽ hỗ trợ 123.200 phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ, 83.335 trẻ nhỏ từ 6 đến 23 tháng tuổi và khoảng 7.480 trường hợp trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Can thiệp hỗ trợ về nước sạch, vệ sinh sẽ giúp đỡ cho 78.000 hộ gia đình, bao gồm 100.000 trẻ em.

Kết quả triển khai dự án:

Tập huấn nâng cao năng lực mạng lưới: Viện Dinh dưỡng đã tổ chức tập huấn cho 144 cán bộ là bác sỹ và điều dưỡng khoa nhi tại các bệnh tuyến huyện và tuyến tỉnh tham gia dự án, trạm trưởng và chuyên trách dinh dưỡng của 333 xã dự án.

Điều trị cho trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính: Tính đến thời điểm tháng 2/2017, có 7.640 trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng được điều trị phục hồi dinh dưỡng.

Kết quả bổ sung đa vi chất cho phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú: Để hỗ trợ cải thiện tình trạng thiếu vi chất cho phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con dưới 1 tuổi bú, toàn bộ số phụ nữ của 58 huyện dự án được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng liên tục trong 4 tháng (mỗi ngày một viên) bắt đầu từ tháng 9/2016. Tổng số có 83.569 phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con dưới 1 tuổi được bổ sung đa vi chất trong tháng có độ bao phủ cao nhất đạt 80%.

Bổ sung đa vi chất cho trẻ em: Trẻ từ 6-23 tháng tuổi được tại 31 huyện được bổ sung đa vi chất (mỗi ngày 1 gói x 20 gói/tháng x 3 tháng). Kết quả cho thấy có tổng số 62.279 trẻ từ 6-23 tháng tuổi trên tổng số 75.710 đối tượng được bổ sung đa vi chất đạt trên 80%.

Các hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng: Trung tâm CSSKSS các tỉnh đã phát 485.000 tờ rơi hướng dẫn sử dụng đa vi chất cho phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú; 100.000 tờ rơi chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ, 80.000 tờ rơi chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em và 3.600 poster để treo tại trạm y tế và in sao 627 đĩa truyền thông phát trên đài phát thanh, truyền hình, loa truyền thanh xã phường.

Đây là dự án đầu tiên hỗ trợ khẩn cấp nhằm khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn có sự phối hợp chặt chẽ giữa Viện Dinh dưỡng và Unicef trong tổ chức thực hiện và theo dõi giám sát với số lượng đối tượng can thiệp lớn trên phạm vị rộng với nhiều địa hình khác nhau. Vì vậy cần rút kinh nghiệm triển khai ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn trong thời gian qua, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó về dinh dưỡng trong những tình huống khẩn cấp, an ninh lương thực bị đe dọa.

Cung cấp thông tin và các kế hoạch cơ bản liên quan đến ứng khó về dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp tới các cơ quan, tổ chức trong nước cũng như quốc tế, từ đó tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực và chủ động phối hợp trong việc ứng phó với thiên tai.
 
Một hộ nghèo ở ấp Thạnh Thọ, xã Bảo Thạnh. Gia đình người phụ nữ này cố đào giếng, tuy nhiên nước bị nhiễm mặn cao nên không thể sử dụng để chăn nuôi được
 

Bà Lê Thị Bé, chủ hộ một gia đình ở Thạch Phú, Bảo Thạch đứng gần với các dụng cụ chứa nước nhưng không có nước
 

Một ngôi chùa bắt đầu đào giếng để cung cấp nước cho các hộ nghèo ở xã Bảo Thanh
 

Bán rơm ở xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú

Ths. Bs. Nguyễn Văn Tiến – Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia