Tình trạng thiếu một số vi chất dinh dưỡng đang là một vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. 14,2% trẻ dưới 5 tuổi có hàm lượng vitamin A huyết thanh thấp. Tỷ lệ này có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái: thấp nhất ở vùng Đông Nam Bộ (7,9%) và cao nhất ở vùng Tây Nguyên (20,9%). Phòng chống thiếu máu vẫn luôn là thách thức đối với các chương trình can thiệp dinh dưỡng ở Việt nam trong nhiều năm qua. Tỷ lệ thiếu máu trên phạm vi toàn quốc là 36.5%, 28.8% và 29.2% tương ứng với các đối tượng là phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ em <5 tuổi (Tổng Điều tra dinh dưỡng 2009-2010). Nguyên nhân quan trong của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là do nguồn cung cấp chất dinh dưỡng từ khẩu phần hàng ngày chưa đáp ứng được nhu cầu của cơ thể.
Dự án “Sustainable Micronutrient Interventions to controL deficiencies and Improve Nutritional status and General health in South East Asia” viết tắt là SMILING: “Các can thiệp bền vững phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người dân châu Á“ đã hướng tới cách tiếp cận dựa vào nguồn thực phẩm sẵn có và thực trạng tiêu thụ thực phẩm của nhóm đối tượng nguy cơ cao. Tập huấn phương pháp tiếp cận mới trong cung cấp bằng chứng cho việc xây dựng chính sách và xây dựng kế hoạch dinh dưỡng (WP4: Hợp phần 4) là một trong các hợp phần quan trọng của dự án SMILING. Phần mềm OptiFood của tổ chức Y tế thế giới phiên bảng 3.1 đã được Tiến sĩ Elaine Ferguson của Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới Luân đôn (London School of Hygiene and Tropical Medicine (LSHTM)) sử dụng trong thời gian tập huấn từ ngày 17 đến 21 tháng 9 tổ chức tại Viện Dinh Dưỡng - trường Đại học Mahidol cho 5 nước trong khu vực tham gia dự án để có thể sử dụng phần mềm OptiFood và áp dụng phương pháp này vào điều kiện thực tế của từng nước phù hợp với thực trạng tiêu thụ thực phẩm ở nhóm đối tượng là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai.
Việc xây dựng, phát triển các khuyến cáo về ăn uống cần được thực hiện dựa trên nguồn thực phẩm sẵn có, thói quen ăn uống và nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cụ thể của từng quốc gia. Cho đến nay, việc xây dựng, phát triển các khuyến cáo về ăn uống thường được thực hiện dựa trên phương pháp thử nghiệm để kiểm tra đúng sai. Sử dụng phần mềm OptiFood là phương pháp đòi hỏi nhiều thời gian để có thể đưa ra được một khẩu phần phù hợp đủ chất, cân đối với chi phí thấp và phù hợp với điều kiện kinh tế. Để giải quyết vấn đề trên, các nhà khoa học đã nghiên cứu và xây dựng phần mềm tối uư hóa theo phương pháp lập trình tuyến tính nhằm nhanh chóng đưa ra các định hướng, tiêu chí để lựa chọn giải pháp can thiệp dinh dưỡng. OptiFood cho phép xây dựng, kiểm định các giải pháp hoặc khuyến cáo dinh dưỡng dựa trên nhu cầu về dinh dưỡng, nguồn thực phẩm sẵn có và điều kiện kinh tế cho các loại đối tượng khác nhau. Để hiện thực hóa vấn đề này WHO đã phối hợp với LSHTM và tổ chức Fanta-2 và công ty tin học B-I đã xây dựng phần mềm này nhằm hỗ trợ nhập số liệu, tính toán và trình bày kết quả cho các mô hình thử nghiệm khác nhau. Chương trình OptiFood cho phép người sử dụng giải quyết các công việc sau:
- Đưa ra các khuyến cáo về tiêu thụ thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.
- Xác định các loại thực phẩm địa phương quan trọng giàu vi chất dinh dưỡng để có thể sử dụng nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân.
- Kiểm tra các khuyến cáo về khẩu phần trên cơ sở xác định các chất dinh dưỡng của những khẩu phần này có được đảm bảo đủ hay không.
- Xác định các vấn đề có liên quan đến khả năng cung cấp đầy đủ và cân đối về chất dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm sẵn có của địa phương trong điều kiện bữa ăn có thể có đủ các thực phẩm sẵn có tại địa phương.
- So sánh các chiến lược khác nhau về lợi ích kinh tế trong dinh dưỡng mà vẫn đảm bảo được giảm thiểu tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng trong khẩu phần.
- Xác định khẩu phần bữa ăn tối ưu với giá thấp nhất nhưng vẫn đủ cung cấp chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể.
Phương pháp sử dụng phần mềm dựa trên lập trình tuyến tính đỏi hỏi người sử dụng phải có trình độ cao về khoa học dinh dưỡng, thực phẩm, tin học và toán học do vậy việc áp dụng công cụ này chưa thể triển khai rộng rãi. Phần mềm đang được các chuyên gia của trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới Luân đôn, các chuyên gia khác của dự án hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Hy vọng phần mềm OptiFood được áp dụng, phổ biến rộng rãi và trở thành một công cụ hữu ích trong việc đưa ra các khuyến cáo can thiệp dinh dưỡng đặc thù nhằm cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của nhân dân./.
Ts. Trần Thành Đô - Viện Dinh dưỡng